HOTLINE: 3930 2242   EMAIL: thuy.nguyen@bemind.com.vn
20/09/2016 14:03:16

Dạy con 5 kỹ năng giúp bé thành công trong cuộc sống

  1. Kiểm soát cảm xúc
Nếu cha mẹ dạy con cách kiểm soát cảm xúc của mình thì sau này trong những giai đoạn phát triển của con, con sẽ có thể đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Điều đó đảm bảo cho con sẽ ít rơi vào trạng thái khó chịu, hoặc tệ hơn nữa là trầm cảm, buông xuôi và sa ngã.
Mẹ có thể dạy cho con cách kiểm soát cảm xúc từ khi con bắt đầu nhận thức và bảy tỏ cái tôi nhiều hơn - khi con hoảng 9 tháng - 1 tuổi trở đi. Tính hung hăng khởi nguồn từ những cơn giận dữ thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ mới tập đi. Trẻ tuổi này “hiếu chiến” và bướng bỉnh hơn so với tất cả lứa tuổi khác do bé bắt đầu nhận thức nhiều hơn và có mong muốn thể hiện. Sự hạn chế về ngôn ngữ cũng có thể là nguyên nhân. Sự nổi nóng thường xuyên và kéo dài có thể gây rắc rối khi con đi học, hoặc trong sinh hoạt gia đình, trong giao tiếp với bạn bè và người thân.
Cha mẹ có thể giúp con bằng cách giải thích cho con hiểu sự liên quan giữa những hành vi của bé với cảm xúc của những người xung quanh: cảm xúc của người khác cũng như của chính mình và giúp bé nhạy cảm nắm bắt tâm lý người đối diện. Điều này rất có lợi cho con sau này. Cha mẹ nên dạy cho con biết dán nhãn cảm xúc của mình, như buồn, vui, giận, lo sợ… để bé biểu hiện tình cảm bằng lời thay vì bằng hành động đấm đá, chửi mắng cho hết giận. Mẹ nên khuyến khích con diễn đạt, bày tỏ quan điểm của bản thân về những hành vi liên quan đến những cảm xúc đó. Ví dụ: khi con buồn, thay vì dỗ dành con, mẹ nên hỏi: “Tại sao con buồn?”, “Con cảm thấy thế nào về việc đó?”, “Tại sao con nghĩ như vậy?”…
Lâu dần, bé sẽ có thói quen quan sát, đánh giá, kềm chế và tìm cách giải quyết vấn đề của riêng mình.
2. Kiên nhẫn
Các bé tuổi chập chững tập đi thường cho mình là trung tâm chú ý, không coi ý ai ra gì, chỉ thích khăng khăng làm theo ý mình và khá thất thường. Vừa phút trước bé có thể cười đùa nghịch ngợm, phút sau đã lăn ra sàn nhà, đập tay, đập chân chỉ vì mẹ bảo đi ngủ.
Muốn rèn luyện cho con tính kiên trì, nhẫn nại thì trước tiên cha mẹ phải là tấm gương về những đức tính này. Nếu thấy cha mẹ hay nôn nóng, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng thiếu tính nhẫn nại khi trưởng thành. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên làm thay con mọi việc, phải để cho trẻ trải qua cảm giác hoàn thành một việc gì đó bằng chính công sức của bé. Mẹ cũng có thể đưa ra một số mục tiêu và phần thưởng để con hoàn thành công việc.
Kiên nhẫn là đức tính cần thiết giúp cho người ta có thể thành công trong cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ đức tính này, sẽ có lợi cho con về sau.

3. Tự tin
Những đứa trẻ hiếu động, cá tính, tự tin thường đầy năng lượng và luôn bản lĩnh hơn trong giao tiếp với mọi người.Dạy trẻ tự tin vào bản thân cũng là một cách để giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ).
Sự tự tin được hình thành rất sớm ngay từ khi trẻ ra đời và được củng cố trong suốt cuộc đời. Cha mẹ cần xây dựng và củng cố sự tự tin của con bằng cách không bao giờ nhắc đến nhược điểm của con trước mặt người khác. Cha mẹ luôn ghi nhớ nguyên tắc xóa mờ nhược điểm, nhấn mạnh ưu điểm trong cách dạy con. Nếu con có ưu điểm thì cần khen ngợi, khích lệ, nhưng lúc cần phê bình vẫn phải phê bình, nhưng cần nắm bắt mức độ của việc phê bình để con sửa chữa khuyết điểm, giữ tâm trạng vui vẻ, sự tự tin và lòng tự trọng. Trong thời điểm con phải trải qua những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, khi con vấp ngã, sai lầm hay khi con thành công, sự lắng nghe và ủng hộ của cha mẹ mãi mãi chiếm vị trí quan trọng nhất trong trái tim trẻ và giúp con hình thành sự tự tin vào khả năng của con và vào bản thân con.
4. Trách nhiệm
Tinh thần trách nhiệm cần được thấm nhuần trong tính cách của con. Mẹ giúp con trở thành một đứa trẻ có trách nhiệm bằng cách hãy để cho con tự dọn dẹp đồ chơi của chính mình, ăn hết khẩu phần của mình, hoàn thành bài tập về nhà, nói là làm...
Mẹ nên dạy bé từ từ và chính mẹ phải là tấm gương sáng. Mẹ muốn dạy con phải tự rửa bát hay làm việc nhà, hãy thể hiện cho con thấy mẹ luôn hoàn thành trách nhiệm đó.
Một khi con dược mẹ dạy về tinh thần trách nhiệm, thói quen tốt đẹp này sẽ theo con suốt cuộc đời và con sẽ là một người tử tế và thành công.
5. Cư xử đúng đắn
Nói một cách khác, mẹ cần dạy con thói quen cư xử. Xung quanh con có biết bao người, người tốt có, người xấu có, mỗi người một cách cư xử; con cần kỹ năng để cư xử phải đạo nhằm xây dựng những mối quan hệ tốt sau này.
Để dạy con xây dựng mối quan hệ tốt, trước hết cha mẹ cần thể hiện cách cư xử nhã nhặn, lịch thiệp, hòa nhã với mọi người để bé noi theo. Ngoài ra, mẹ có thể bắt đầu bằng việc dạy bé nói “xin lỗi” và “cảm ơn” đúng nơi, đúng lúc. Những thói quen đơn giản như chia sẻ đồ chơi với bạn, không phân biệt đối xử… cũng là cách để con học cách cư xử hay.
Một đứa bé không hòa đồng với bạn bè sẽ dễ bị ban bè xa lánh và bỏ quên. Và chắc chắn một đứa trẻ biết cách cư xử sẽ trở thành một người lịch thiệp và được nhiều người quý mến.
Theo: http://th.theasianparent.com/

CÁC TIN KHÁC

TIN QUAN TÂM NHIỀU

SỰ KIỆN TRONG THÁNG

Đối tác

Lượt truy cập: 502862. Đang online 1